Chấp thuận đầu tư dự án điện mặt trời Phan Lâm 2

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định chấp thuận đầu tư cho Công ty TNHH Năng lượng Phan Lâm đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phan Lâm 2, với quy mô công suất 49 MWp.

Triển vọng phát triển năng lượng gió, mặt trời tại Việt Nam

Quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án Nhà máy điện mặt trời Phan Lâm 2 được xây dựng tại xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Diện tích đất sử dụng 58,8 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án 1.202 tỷ đồng.

Theo đó, tiến độ thực hiện dự án được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1, hoàn thành các thủ tục đất đai, môi trường, giấy phép xây dựng, thiết kế chi tiết, chọn nhà thầu xây lắp và mua thiết bị (từ tháng 8-10/2018); giai đoạn 2, nhập khẩu thiết bị, thi công hạ tầng, lắp đặt thiết bị, đấu nối, thử nghiệm (từ tháng 10/2018 - 4/2019); và giai đoạn 3, vận hành thử, nghiệm thu và đi vào hoạt động (tháng 6/2019). Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.

Bình Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng mặt trời thuộc loại cao nhất trong cả nước, số giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, bức xạ nhiệt ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện mặt trời.

Theo tính toán, Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận, tổng công suất tiềm năng quy hoạch là 5.321,5MWp.

Dự kiến đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 828 MW, với sản lượng điện tương ứng khoảng 1.270 triệu kWh. Đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt xấp xỉ 2.642 MW, với sản lượng điện tương ứng xấp xỉ 4.055 triệu kWh. Đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt xấp xỉ 4.520 MW, với sản lượng điện tương ứng khoảng 6.936 triệu kWh.

- Nguồn: Tạp chí năng lượng Việt Nam -

Để biết thêm chi tiết về các ngành đào tạo về năng lượng xin mời truy cập tại website Khoa Công nghệ năng lượng trường Đại học Điện lực: http://et.epu.edu.vn

Báo dân trí viết về ngành công nghệ năng lượng: http://dantri.com.vn/tin-tuyen-sinh/don-vi-dao-tao-hang-dau-ve-cong-nghe-nang-luong-tai-viet-nam-tuyen-sinh-20180718204842547.htm